Tránh “mạnh ai nấy làm”, HTX hoạt động mới hiệu quả
16:22 - 27/12/2017
Phát triển kinh tế tập thể thông qua mô hình hoạt động của các hợp tác xã (HTX) là chủ trương đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi.
Anh Nguyễn Cảnh Thái Dương - Giám đốc HTX Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã liên kết được đầu ra cho sản phẩm bơ sạch của mình. Ảnh: H.V

Tuy nhiên, hoạt động của lĩnh vực kinh tế hợp tác - HTX trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các HTX nông nghiệp.
 

Liên kết còn yếu

Theo Sở NNPTNT, trong  55 HTX nông nghiệp, chỉ có 15 HTX làm ăn hiệu quả; 8 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đang ngưng hoạt động; 1 HTX đã giải thể.
 

Đơn cử như HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) được thành lập năm 2014 với 29 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất thanh long. Mặc dù hiện nay, diện tích trồng thanh long mở rộng từ 30ha (năm 2014) lên 50ha, nhưng giá bán thanh long xuống thấp, chỉ 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất như điện, phân, thuốc BVTV, công lao động tăng, đầu ra không ổn định nên các thành viên HTX phải tự thân vận động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
 

Ông Trần Quang Hải - Giám đốc HTX Hưng Thịnh lo lắng cho biết, giá bán thanh long phải từ 15.000 đồng/kg trở lên, người nông dân mới có lãi. HTX đang phải gánh nợ tiền phân bón cho các hộ trồng thanh long; giấy chứng nhận VietGAP thanh long đã hết hạn nhưng HTX chưa có tiền để làm các thủ tục đăng ký lại, người trồng thanh long trên địa bàn vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
 

Hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, 15 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả đều lấy lợi ích kinh tế của thành viên là động lực cơ bản cho sự phát triển, tăng cường liên kết trong và ngoài HTX, hình thành mô hình hoạt động sản xuất, dịch vụ theo chuỗi.
 

Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (xã An Nhứt, huyện Long Điền), thành lập từ năm 1986, hiện HTX tập hợp 310 hộ/1.080 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 220ha (gieo trồng các giống lúa OM4900, OM5451, ML48), sản xuất trên 3.300 tấn lúa/năm.
 

Theo Giám đốc HTX Huỳnh Trung Thành, hoạt động theo mô hình kiểu mới là thực hiện chuỗi khép kín “sản xuất - sơ chế - tìm thị trường đầu ra”, HTX quy hoạch diện tích 20ha, với 28 hộ tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX An Nhứt còn liên kết với các DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Đức, TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu… để mở rộng đầu ra tiêu thụ nông sản. Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường.
 

Mô hình liên kết hiệu quả giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh đó là Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Tâm Nông (huyện Châu Đức) với HTX An Nhứt – sản xuất gạo sạch (huyện Long Điền), HTX Hợp Thành - sản xuất rau (Phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa), Nông trại rau sạch Sunny Farm của ông Phùng Văn Thu (231A Phước Thắng, phường 12, TP.Vũng Tàu), HTX Phước Thành (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)… mỗi tháng tiêu thụ, phân phối hàng chục tấn gạo, hơn 1.500kg rau, củ, quả cung cấp cho 8 bếp ăn trường học (huyện Châu Đức) và Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ngoài ra, Công ty Tâm Nông còn mở cửa hàng cung cấp các mặt hàng thực phẩm an toàn tạo thêm kênh phân phối sỉ, lẻ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

"Thay vì hỗ trợ dàn trải, tỉnh nên có cơ chế tập trung hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả về khoa học công nghệ, giống, đất đai, vốn vay, tập huấn”.

Ông Phan Nhật Nam – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh


 

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo